Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Những mối nguy từ dây cáp điện rởm





Một số doanh nghiệp cố tình sản xuất và nhập khẩu loại dây và cáp điện dỏm: rút bớt lõi đồng của dây cáp; dùng đồng kém chất lượng; vỏ cách điện của dây được làm bằng nhựa tái chế...
Trong vai người đi mua dây điện về lắp cho ngôi nhà mới xây, chúng tôi được chủ cửa hàng bán phụ tùng, linh kiện điện-nước T.Tr., đường Tây Thạnh, Q. Tân Phú, TP.HCM khuyên chỉ nên mua dây điện của hãng có tên tuổi. Dây điện mang tên nhãn hàng của các hãng khác có rất nhiều và giá rẻ hơn, nhưng chất lượng lại không được đảm bảo.

Vỏ, ruột đều dỏm


Ông chủ cửa hàng nói trên tiết lộ, các hãng thiếu uy tín này thường dùng lõi đồng pha nhôm rất dễ bị đứt, hoặc phía trong là ruột nhôm và... mạ đồng ở ngoài. Vỏ nhựa bảo vệ không dẻo rất dễ bị nứt, gãy. Quả thật, cầm một dây điện hãng C. (một hãng sản xuất dây cáp điện tên tuổi trước giờ) sẽ dễ cảm nhận dây điện của hãng này cứng hơn, vỏ nhựa dày, dẽo và cho cảm giác độ an toàn cao hơn. 


Đến cửa hàng điện nước T. Đ trênđường Lê Trọng Tấn, P. Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân, TP.HCM, anh Thành, chủ cửa hàng ở đây cũng cho biết, thợ, thầu lắp điện bao dây thường không mua của hãng C. mà mua của các hãng khác để có lợi. Thường dây điện dỏm có tiết diện không đủ, ví dụ, dây cáp điện ghi lõi 2,5mm, nhưng thực tế đường kính lõi chỉ có 2mm. Giá 1m dây điện “gin” của hãng có tên tuổi (loại có tiết diện 3.5mmm) thường đắt hơn 1.000đ/m so với dây điện cùng loại của các hãng ít tên tuổi.


Kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) tại 15 đơn vị sản xuất ở TP.HCM và Bình Dương hồi giữa năm 2011 cũng cho thấy, trong số 36 mẫu dây và cáp cách điện bọc nhựa PVC có đến 23 mẫu (chiếm tỉ lệ 64%) không đạt yêu cầu về điện trở ruột dẩn, 9 mẫu (chiếm tỉ lệ 24%) không phù hợp dùng cho dây điện gia dụng. 


Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá, dây và cáp điện kém chất lượng thường không tuân thủ tiêu chuẩn về ruột dẫn và vỏ bọc cách điện. Hiện tượng phổ biến nhất là rút bớt lõi đồng của dây cáp, không bảo đảm tiết diện ruột dẫn, sử dụng loại đồng có nhiều tạp chất, độ tinh khiết thấp, đường kính các sợi nhỏ và số sợi thiếu, vì vậy, tiết diện của các ruột dẫn nhỏ hơn so với quy định làm cho điện trở dây dẫn tăng, gây tổn thất điện. Khả năng chịu cường độ dòng điện kém do tiết diện nhỏ và điện trở lớn, gây quá tải và phát nóng. Thêm vào đó, phần vỏ cách điện của dây được làm bằng nhựa kém chất lượng hoặc nhựa tái chế nên xốp, bở, giòn, dễ gãy nứt khi uốn, lắp đặt, do vậy trong quá trình sử dụng nhanh chóng bị lão hóa, nóng chập cháy, rò điện.

“Trốn” quản lý 

Thị trường riêng mà một số doanh nghiệp nhắm đến là thị trường nông thôn, nơi người dân ít quan tâm tới chất lượng và thiếu thông tin. Còn khách hàng là các chủ thầu xây dựng, những người được chủ đầu tư khoán phần vật tư, và họ thường chọn mua loại dây điện rẻ tiền để giảm bớt chi phí. Sản phẩm dây và cáp cách điện kém chất lượng mang theo nguy cơ tiềm ẩn như: sự cố chập cháy điện, rò điện ngầm… gây nguy hại tới tính mạng và tài sản của người sử dụng.

Theo thông tin từ Vụ Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục TCĐLCL), dây và cáp cách điện bọc nhựa PVC trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 4:2009/BKHCN (QCVN 4).

Hiện nay, nhằm lách luật, có một số doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu dây điện, cáp điện và cáp cách điện bọc nhựa PVC đã cố tình sản xuất và nhập khẩu loại dây và cáp điện có mặt cắt danh nghĩa của ruột dẫn không theo tiêu chuẩn quốc gia nói trên, dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát, đồng thời gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng. Trên thị trường vẫn còn tồn đọng khối lượng lớn loại dây và cáp điện có quy cách này.

Việc làm trên còn nhằm trốn tránh không phải thực hiện chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy CR, đăng ký hồ sơ chất lượng theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 4. 

Theo  Cafef.vn

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Tiết kiệm điện cho hệ thống giải trí gia đình



Trong bối cảnh giá điện tăng cao như hiện nay, những hệ thống giải trí tại gia như “rạp hát gia đình” (home theater) lại “ngốn” điện khiến hàng tháng đều đặn bạn phải bỏ ra một đống tiền để trả tiền điện. Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp để giảm thiểu tối đa chi phí này.

Lựa chọn thiết bị
Những chiếc TV plasma 50-inch thường ngốn tới 400watt/h. Trong khi đó, những thành phần khác của hệ thống “rạp hát” như đầu ghi video DVR, đầu đĩa Blu-ray, loa, ampli... cũng cần nguồn điện riêng.
Ngay cả khi những thiết bị này không hoạt động, chúng vẫn tốn điện bởi thực tế tất cả đều vẫn cắm nguồn và đang trong chế độ chờ (standby). Chính vì thế chúng vẫn tiêu hao điện ngay cả khi không hoạt động.
Trong một hệ thống home theater, chiếc TV đóng vai trò khá quan trọng và thường bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian để chọn cho mình một chiếc TV hợp lý. Loại TV được đề cập ở đây chính là TV độ nét cao (HDTV), sử dụng công nghệ màn hình LCD hoặc plasma. Vấn đề nằm ở kích thước, TV càng to thì càng ngốn nhiều điện.
Một chiếc TV plasma 42-inch sẽ tiêu hao khoảng 271watt/h, trong khi chiếc TV 50-inch là 341watt/h. Kích thước màn hình không lớn hơn là bao nhiêu, nhưng rõ ràng mức tiêu hao điện lại tăng lên rất nhiều. Đó cũng là điểm bạn nên cân nhắc bởi trên thực tế việc xem phim trên một chiếc TV 42-inch và 50-inch không khác nhau là bao.
Điểm cần chú ý tiếp theo chính là công nghệ màn hình TV. Nếu tiêu chí tiết kiệm điện được đặt lên hàng đầu, lời khuyên cho bạn là không nên lựa chọn TV plasma. Một chiếc TV LCD 52-inch có mức tiêu hao điện năng cũng chỉ bằng chiếc TV plasma 42-inch.
Nếu muốn tiết kiệm điện hơn nữa, chủng loại TV LCD màn hình LED mới ra mắt sẽ đáp ứng được điều này. Tuy nhiên, giá một chiếc TV màn hình LED lại không hề rẻ. Ngoài ra, bạn cũng cần tham khảo thêm một số công nghệ mới được trang bị cho TV hiện nay, chẳng hạn như khả năng tự điều chỉnh độ sáng màn hình dựa trên môi trường xung quanh (qua đó làm giảm lượng điện tiêu hao).
Thói quen tiết kiệm
Nếu bạn có thói quen sử dụng tốt, bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền điện, chưa kể giúp cho thiết bị bền hơn. Một số thói quen sau sẽ giúp bạn thực hiện được điều này.
Chỉnh độ sáng: Thông thường, những chiếc TV mới đều được mặc định độ sáng của nhà sản xuất. Chúng thường quá sáng cho phù hợp với mục đích trình diễn (trong các showroom thừa ánh sáng) chứ không tối ưu cho phòng khách của bạn. Giảm độ phát sáng của TV sẽ giúp bạn tiết kiệm điện và tăng tuổi thọ sử dụng thiết bị.
Chọn tính năng tiết kiệm năng lượng: Những dòng TV mới hiện nay đều có các lựa chọn giúp bạn tiết kiệm điện. Có điều khi sử dụng tính năng này, bạn sẽ phải đánh đổi chất lượng hình ảnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hình ảnh sẽ không được sắc nét lắm.
Sử dụng loa  của TV: Có thể việc sử dụng những hệ thống loa vòm và ampli ngoài sẽ giúp nâng cao chất lượng âm thanh, nhưng trong một số trường hợp chẳng hạn như nghe bản tin thời sự hay dự báo thời tiết, bạn nên sử dụng hệ thống loa có sẵn của TV.
Tắt những thiết bị không dùng tới: Những thiết bị giải trí như HDTV, ampli, đầu số, DVR, đầu phát DVD hoặc Blu-ray vẫn ngốn điện ngay cả khi bạn chuyển chúng về chế độ “off”. Nếu thao tác rút và cắm nguồn những thiết bị này không làm cho bạn phiền lòng thì hãy ngắt nguồn chúng một cách hoàn toàn (rút nguồn) để tiết kiệm điện nhiều hơn. Bạn nên kết nối tất cả những thiết bị này vào một nguồn điện chung, chẳng hạn như một ổ điện cỡ lớn, rồi khi có nhu cầu bật/tắt nguồn, chỉ cần bật/tắt công tắc là xong.
Sử dụng TV cỡ nhỏ hơn: Nếu bạn có 2 chiếc TV, nên sử dụng chiếc nhỏ hơn để xem những chương trình bình thường, chẳng hạn các bản tin. Chỉ dùng cái lớn khi xem thể thao, phim ảnh.

Theo Báo Tiền Phong

Làm thế nào tiết kiệm điện trong mùa hè



Nhu cầu sử dụng điện của mỗi gia đình ngày hè tăng cao, kéo theo chi phí không nhỏ. Làm thế nào để có thể tiết kiệm điện dễ dàng trong mùa hè này?

Khi trời nắng nóng, hãy dùng rèm che để tránh ánh nắng mặt trời vào trong nhà (ảnh minh họa)
Không dùng điều hòa quá cũ

Nếu máy điều hòa nhà bạn đã sử dụng trên 10 năm, đã đến lúc bạn nên cân nhắc mua một máy điều hòa mới để tiết kiệm năng lượng hơn. Hãy tìm mua máy điều hòa tiêu tốn ít điện năng và có công suất phù hợp với diện tích phòng. Máy điều hòa có các loại công suất tương ứng với các diện tích như sau:

Phòng 15m2 trở xuống: Công suất lạnh 9.000 BTU.

Phòng 25m2 trở xuống: Công suất lạnh 12.000 BTU.

Phòng 30m2 trở xuống: Công suất lạnh 18.000 BTU.

Khắc phục những khe hở

Các khe hở trong phòng điều hoà là một trong những nguyên nhân chính khiến cho  hệ thống điều hòa hoạt động với công suất lớn hơn, gây tốn kém điện năng và giảm tuổi thọ của máy. Cần bịt kín những khe hở.

Tăng cường cây xanh và rèm che

Ở những hướng đón ánh nắng, có thể trồng cây như là một bức chắn ánh nắng mặt trời và tạo không khí trong lành cho ngôi nhà. Khi trời quá nắng cần kéo rèm che để ngăn ánh nắng chiếu trực tiếp, không khí trong nhà sẽ mát mẻ hơn. Đồng thời, máy điều hòa cũng sẽ không phải làm việc với cường độ và công suất cao.

Hãy chọn mua tủ lạnh nhiều ngăn và hạn chế mở tủ lạnh khi không cần thiết
Sử dụng quạt trần thay cho điều hòa

Sử dụng quạt trần để không khí lưu chuyển đều trong nhà, thay vì sử dụng máy điều hòa nhiệt độ sẽ giúp cho máy điều hòa nhiệt độ có thể nghỉ ngơi, đồng nghĩa với việc tiết kiệm điện năng hơn rất nhiều.

Sử dụng thiết bị điều khiển nhiệt độ

Thiết bị này giúp điều chỉnh độ nhiệt độ của điều hòa hay quạt trong phòng tùy thuộc theo nhu cầu cơ thể. Nếu điều chỉnh hợp lý, trung bình có thể giúp tiết kiệm 10% - 15% điện năng  mà không ảnh hưởng tới sự thoải mái cá nhân. Để nhiệt độ cao hơn 2 độ là có thể giảm chi phí làm mát 5%. Nếu tính dài hạn, thì chi phí tiết kiệm được từ điện năng còn cao hơn nhiều so với chi phí đầu tư thiết bị này.

Hạn chế mở tủ lạnh nhiều lần

Trước tiên, bạn nên chọn mua tủ lạnh phù hợp với nhu cầu sử dụng, nên mua tủ lạnh có nhiều ngăn, đặt tủ lạnh cách tường 10 cm để có độ thông thoáng. Đặc biệt, tránh mở tủ lạnh nhiều lần khi không cần thiết để bảo đảm duy trì độ lạnh tủ đã tự động ngắt trước đó. Nên lau chùi, bảo quản thường xuyên để tránh tuyết dày trên 5mm.

Cân nhắc thời điểm sử dụng lò nướng

Việc sử dụng lò nướng hằng ngày cũng có thể làm cho căn nhà nóng hơn. Nếu bật đồng thời cả lò nướng và điều hòa nhiệt độ sẽ khiến điều hòa phải làm việc nhiều hơn gây tốn điện. Nên nướng bánh vào sáng sớm hoặc khi không sử dụng điều hòa nhiệt độ.

Bảo trì các thiết bị điện

Trước khi mùa hè đến, nên bảo trì các thiết bị điện như điều hòa, tủ lạnh, quạt, tivi… Điều này sẽ giúp cho các thiết bị này hoạt động tốt, tiêu tốn điện năng đúng với chỉ số các nhà sản xuất đưa ra; đồng thời cũng không mất thêm chi phí cho việc sửa chữa khi thiết bị hỏng hóc do một thời gian dài không dùng đến.

Bình nước nóng năng lượng mặt trời
Hãy sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời

Sử dụng năng lượng mặt trời đốt nóng nước trong bình, hoàn toàn không tiêu thụ điện. Hãy tận dụng năng lượng thiên nhiên này để giảm đi một khoản chi phí tiền điện.

Dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài trời

Mùa hè là mùa tuyệt vời để ra ngoài và tận hưởng không khí ngoài trời. Từ các hoạt động bơi lội cho đến cắm trại hay tập thể dục. Nên tận dụng cơ hội này để nâng cao sức khỏe, gần gũi thiên nhiên, tranh thủ tắt các thiết bị, nhằm góp phần tiết kiệm điện và tham gia bảo vệ môi trường.







Theo EVN news 

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Bảo dưỡng máy lạnh đón hè


 Nhiều gia đình không chú ý tới việc bảo dưỡng nên cao điểm mùa hè máy lạnh ít mát, hỏng hóc phải sửa chữa mà gọi thì thợ không có ngay bởi họ bận “chạy sô”.

 Bảo dưỡng trước khi vào mùa nóng
Nhiều gia đình không chú ý tới việc bảo dưỡng nên cao điểm mùa hè máy lạnh ít mát, hỏng hóc phải sửa chữa mà gọi thì thợ không có ngay bởi họ bận “chạy sô”. Giá bảo dưỡng máy lạnh không kể nạp gas từ 120.000 - 250.000 đ/máy, nhưng vào mùa hè có thể tăng thêm từ 50.000 – 100.000 đ/máy. Tốt nhất là vài tuần trước khi vào mùa nóng (nhất là ở miền Bắc nhu cầu đặc biệt tăng cao khi vào hạ) vì lúc này thợ còn đang nhàn rỗi nên dịch vụ bảo dưỡng vừa rẻ, vừa làm cẩn thận hơn.

Với điều hòa 2 chiều khoảng 6 tháng bảo dưỡng 1 lần. Điều hòa 1 chiều khoảng 1 năm bảo dưỡng 1 lần. Số lần bảo dưỡng còn tùy thuộc vào môi trường nơi sử dụng (nếu ở công trường xây dựng, hoặc gần đường thời gian bảo dưỡng ngắn hơn). Thời điểm bảo dưỡng tốt nhất nên chọn ngày nắng ráo để bảo dưỡng thuận lợi và “cảm” độ lạnh chính xác. Nên làm trước khi vào hè 1 – 3 tuần (tháng 3 – 4, và từ tháng 10 - 11 dương lịch). Nếu máy lạnh hoạt động liên tục nên thựờng xuyên làm vệ sinh máy, các tấm lọc khoảng 2 tháng/lần và thay tấm lọc hàng năm.

Điểm mặt chiêu moi tiền của thợ bảo dưỡng
- Gian dối khi nạp gas: Muốn kiểm tra gas phải có dụng cụ đo áp chuyên dụng, do đó người dân nên kiểm tra gas qua chỉ số hiển thị trên đồng hồ đo gas để biết lượng gas đang còn trong máy lạnh. Sau khi thợ bổ sung gas, đồng hồ đo sẽ phải chỉ rõ là gas đã tăng lên rõ ràng. Cách kiểm soát gas đơn giản nhất là trước khi thợ bơm gas, nếu có cân đồng hồ đề nghị thợ đặt lên xem cả bình nặng bao nhiêu kg.

Bình thường ống gas của máy lạnh mới rất kín, trong vòng 5 – 7 năm không phải sạc gas. Nếu ống gas bị hở thì sẽ rất nhanh xì hết gas và dù vô tình hay cố ý chủ máy lạnh rất dễ bị thợ dùng một số “mẹo vặt” thiếu lương tâm móc túi. Do đó nếu máy lạnh đang chạy lạnh bình thường thì chớ cho thợ đụng vào gas (trừ khi máy không lạnh sẽ cho kiểm tra). Nếu máy hao gas là do hở và cần khắc phục trước khi nạp.

- Không cho tháo bung máy nếu thiếu máng hứng: Thợ bảo dưỡng thường dùng máy phun áp lực, đòi hỏi có máng hứng nước để xịt nước vệ sinh cục nóng và cục lạnh. Nếu thợ bảo dưỡng chỉ có máy bơm mà không có máng hứng thì không nên cho tháo bung máy bởi họ chỉ dùng nước và hộp xịt bọt rồi lau là không hiệu quả, chỉ sạch một ít bên ngoài, còn bụi bám ở các cánh tản nhiệt không lau được.
Máy lạnh là sản phẩm cao cấp, ít hỏng hóc. Nếu đang dùng mà chạy yếu, chạy không mát có thể do thiếu gas, chỉ cần bơm gas là được, không phải tháo tung máy kiểm tra. Máy lạnh chỉ hỏng khi chết mạch, nếu thợ yêu cầu thay thế thì cần giám sát khi tháo ra và thay xong máy phải hoạt động êm ru. Đồ thay thế giá bên ngoài thường đắt, còn công ty có giá quy định, có nhân viên kỹ thuật kiểm tra, giám sát tình trạng máy và báo giá trước khi sửa chữa nên không sợ bị lừa.

- Chạy thử máy trước khi bảo dưỡng: Việc làm này rất cần thiết để cùng thợ xác nhận tình trạng máy (máy có lạnh, điều khiển từ xa tốt, các cửa đảo gió hoạt động bình thường, quạt gió tốt...), tránh sau khi bảo dưỡng thợ lắp lỗi, lắp sai, do nước bắn vào mạch điều khiển, tuột giắc cắm... và sau đó khó bắt đền.
Sưu tầm

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Cẩn trọng khi sử dụng điện trong gia đình




Nếu như nguyên nhân của phần lớn những vụ cháy nổ liên quan đến điện là do mạng điện bị hỏng hoặc hệ thống điện quá tải thì những sự cố về điện trong nhà thường do sử dụng cẩu thả hoặc không đúng quy cách công năng của những thiết bị điện. Dưới đây là những điều nên và không nên khi sử dụng điện trong gia đình.


Nên: 


- Che chắn toàn bộ ổ cắm điện và công tắc điện trên tường bằng tấm che, và thay thế ngay những thiết bị bị hỏng.


- Bảo vệ trẻ nhỏ và thú nuôi bằng cách dùng tấm bảo vệ che tất cả những ổ cắm không sử dụng, thiết kế dây điện ngoài tầm nhìn và tầm với của trẻ.


- Đảm bảo mọi thiết bị điện trong tình trạng hoạt động tốt, cách điện tốt và sử dụng chúng một cách an toàn. Vì rằng khi dây điện bên trong thiết bị bị hỏng và chạm vào vỏ máy, thì những thiết bị này cũng nguy hiểm như dây điện không có vỏ bọc bên ngoài vậy.


- Chỉ dùng dây nối điện cho những trường hợp sử dụng tạm thời.


- Thường xuyên kiểm tra mọi phích cắm, ổ cấm và dây điện trong nhà. Sửa chữa ngay những chỗ nối bị hở. Nếu cảm thấy phích cắm điện nóng một cách bất thường, phải tắt máy và rút phích ra khỏi ổ cắm. Kiểm tra dây điện, ổ cắm điện và thiết bị sử dụng điện.

- Cách ly mọi thiết bị điện với nguồn nước.

- Treo bảng cảnh báo ở cầu dao hoặc thiết bị ngắt điện để không ai chạm vào trong khi bạn đang thực hiện những sửa chữa nhỏ. Nếu bạn không chắc bạn sẽ sửa chữa mạch điện nào, thì phải đóng cầu dao chính hoặc rút cầu chì chính. Nên gọi thợ điện kiểm tra và sửa chữa khi xảy ra những trường hợp chập điện, hỏng hóc thiết bị không rõ nguyên nhân.

- Khi trong nhà có mùi cháy khét của dây điện, lập tức kiểm tra và tìm phích cắm đang quá tải và cháy hoặc thiết bị điện cháy do quá nóng để rút phích cắm và tất thiết bị điện đó.

- Khi xảy ra cháy do chập điện, phải cắt ngay nguồn điện rồi dùng bình cứu hỏa đặc biệt cho sự cố cháy vì điện nếu có. Trong trường hợp này không sử dụng nước, vì nước là chất dẫn điện nên có thể gây điện giật chết người.

Không nên:

- Giật dây điện khỏi ổ cắm, cách làm này có thể làm hỏng cả phích cắm lẫn ổ cắm.

- Cố dính dây điện vào một bề mặt khác bằng đinh hoặc đinh kẹp, cách làm này có thể làm hỏng vỏ bọc của dây điện. Xoắn, kéo căng hoặc đi trên dây điện cũng có thể làm hỏng phần vỏ bọc.

- Đóng đinh vào tường gần ổ điện đi ngầm.

- Sử dụng dây điện mà phần vỏ ngoài trở nên giòn hoặc bị hỏng, cho dù phần lõi vẫn chưa lòi ra ngoài. Cần quấn băng keo cách điện chung quanh trong khi chờ thay dây mới.

- Sửa chữa thiết bị điện khi chưa ngắt nguồn điện. Sửa chữa điện khi tay bị ướt.

- Nối tiếp nhiều đoạn dây nối điện với nhau.

- Đi dây điện trên thảm hay dưới đồ đạc, cách lắp đặt này có thể làm hỏng vỏ bọc dây điện.

- Cắm vào ổ điện số phích cắm nhiều hơn số phích mà nó có thể chịu được một cách an toàn, do hệ thống quá tải có thể dẫn đến cháy nổ, hỏng hóc.



  Sưu tầm

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Tự hào võ Việt




Công ty TNHH Thái Dương- chuyên sản xuất dây và cáp điện cao cấp SUNCO luôn đồng hành tài trợ Giải võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Websize: http://sunco.vn

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Hà Nội lung linh trong Giờ Trái đất


20h30 bóng tối bắt đầu bao trùm trên các con phố. Xung quanh hồ Gươm các quán cafe, nhà hàng thắp nến tiếp khách. Trong giờ trái đất tối 31/3, đông đảo người dân Hà Nội ra đường tham gia chương trình giờ trái đất.


20h30, phố Đinh Tiên Hoàng bên hồ Gươm bắt đầu chìm trong bóng tối.
Một nhà hàng trên phố Tràng Tiền thắp nến trước bậc thềm.
Các hàng quán, gia chủ cũng lọ mọ giao dịch với khách bằng ánh sáng từ ngọn nến.
Tại quảng trường Cách mạng tháng Tám, giới trẻ đổ về hưởng ứng và thắp lên những ngọn nến.
Họ quây quần bên những ngọn nến được xếp hình con số 60, biểu tượng của 1 giờ đồng hồ nhiều nước trên thế giới tham gia vào chiến dịch bảo vệ môi trường.
Các em nhỏ và các cô gái trẻ cùng hào hứng tham gia trên phố Lý Thái Tổ.
Bé Nguyên, 9 tuổi, một học sinh trường Trưng Vương theo các anh chị ra đường tham gia chiến dịch.
Cùng hòa nhịp hát vang bài ca về trái đất.
Vợ chồng anh Lý, chị Thủy cùng đưa con đi hưởng ứng Giờ Trái đất.
Nhóm sinh viên khoa Kinh Tế, Đại học Mở HN thích thú chụp ảnh.
Tham gia giờ trái đất tối 31/3 không chỉ có thanh niên Việt Nam mà còn có sự xuất hiện của khách nước ngoài.
Biểu tượng của Giờ Trái đất năm nay là 60 + , thể hiện lời kêu gọi hành động cụ thể vì Trái đất, bên cạnh việc nâng cao nhận thức như những năm trước.

                                                                                             Theo Vnexpress

Mẹo sử dụng TV tiết kiệm điện



Chỉ cần tạo cho mình một vài thói quen tốt như bật chế độ tiết kiệm điện hay tập trung cả gia đình xem cùng nhau một chương trình truyền hình là bạn có thể tiết kiệm được một khoản khá từ tiền điện hàng tháng.


Người sử dụng TV thường có những thói quen xấu tưởng như vô hại nhưng thực tế lại khiến hóa đơn tiền điện hàng tháng tăng đáng kể. Đơn cử như việc khi hết chương trình TV, thay vì tắt hẳn điện nguồn, nhiều người chỉ bấm điều khiển từ xa để chuyển máy thu hình về chế độ Stand-by, đồng nghĩa với việc vẫn phải tiêu thụ một lượng điện năng nhất định, dù là rất nhỏ. Bỏ đi những thói quen này, đồng thời làm theo những mẹo nhỏ sau đây, bạn không chỉ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ, mà còn kéo dài được tuổi thọ TV.
tivi
1. Tắt TV khi không sử dụng
Đây là điều hiển nhiên và là một thao tác hết sức đơn giản nhưng cần phải nói đến đầu tiên bởi không phải ai cũng thực hiện đúng. Hãy tạo cho mình thói quen tắt điện nguồn từ TV, hoặc thậm chí là rút luôn phích cắm điện nếu việc làm đó không gây ra quá nhiều bất tiện, thay vì chỉ tắt bằng điều khiển từ xa. Mặc dù lượng điện năng mà TV tiêu thụ trong chế độ chờ là không lớn, nhưng thói quen này cũng góp phần kéo dài tuổi thọ của TV.


2. Tắt lựa chọn khởi động nhanh Quick Start
Một số dòng HDTV đời mới hiện nay được trang bị tính năng có tên là Quick Start, giúp màn hình khởi động nhanh hơn từ chế độ chờ khi người dùng bấm phím nguồn. Tuy nhiên, mặt trái của tiện ích này là nó đòi hỏi một lượng điện năng cao hơn gấp nhiều lần (thường là từ 25 đến 50 lần) trong chế độ standby. Vì vậy, nếu có thể đợi một vài giây từ khi bật TV đến khi hình ảnh hiện trên màn hình, bạn không cần sử dụng tính năng Quick Start.


3. Giảm độ sáng của hệ thống đèn nền
Nếu chiếc TV LCD nhà bạn có lựa chọn cho phép quản lý hệ thống đèn nền (backlight), bạn có thể tiết kiệm điện bằng cách giảm độ sáng của hệ thống này xuống. Tuy nhiên, nên nhớ rằng việc này cũng đồng nghĩa độ sáng của hình ảnh hiển thị trên màn hình sẽ bị giảm xuống theo. Vì vậy, bạn hãy cứ thử các mức khác nhau xem chất lượng hình ảnh có chấp nhận được không thì lựa chọn.

4. Sử dụng chế độ tiết kiệm điện

Rất nhiều loại TV hiện nay được trang bị chế độ tiết kiệm điện, có khả năng giảm độ sáng màn hình và thực thi một số thuật toán nhằm giảm lượng điện năng tiêu thụ. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh khi kích hoạt tính năng này cũng còn tùy model và điều kiện ánh sáng của căn phòng khi xem TV. Dù sao, bạn cũng nên thử xem chất lượng hình ảnh đến đâu.


5. Chỉnh độ sáng của màn hình phù hợp
Nhiều người mua TV, đem về nhà lắp đặt điện, bật TV lên rồi cứ thế xem mà không nghĩ gì đến việc điều chỉnh các thông số. Điều đó không chỉ khiến chất lượng hình ảnh không được tối ưu, mà còn gây tốn điện bởi thông thường, mặc định độ sáng màn hình mà các cửa hàng và nhà sản xuất để là rất cao. Vì thế, khi mua TV mới, bạn nên điều chỉnh các thông số như độ tương phản (contrast) hay độ sáng màn hình (brightness) xuống mức phù hợp để có thể tiết kiệm điện


6. Kiểm soát hệ thống điện trong phòng
Một căn phòng có ánh sáng vừa phải không chỉ làm cho những hình ảnh hiển thị trên màn hình TV trở nên nổi bật hơn, mang lại cảm giác giống như ở rạp hát hơn, mà còn cho phép người dùng giảm độ sáng màn hình xuống thấp hơn. Vì thế, đừng quên để ý đến hệ thống đèn điện trong phòng, bởi chúng có thể mang lại hiệu quả hình ảnh cao hơn, đồng thời hỗ trợ bạn tốt hơn trong việc tiết kiệm điện.


7. Mua TV cỡ nhỏ
Nếu đang có kế hoạch mua TV mới, có một cách giúp bạn không phải quá lo lắng về hóa đơn tiền điện mỗi tháng, đó là chọn mua một chiếc TV cỡ nhỏ thôi. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào công nghệ mà bạn chọn, ví dụ như một chiếc TV Plasma cỡ nhỏ chưa chắc đã tiết kiệm điện hơn một chiếc TV bóng đèn hình cỡ lớn. Điều này chỉ đúng khi bạn đã xác định được loại TV mà mình dự định sẽ mua.


8. Xem TV cùng nhau
Nhiều gia đình hiện nay có vài ba chiếc TV, để ở mỗi phòng một chiếc chứ không chỉ có một chiếc duy nhất như trước kia. Vì thế, khi mà tất cả TV trong nhà đều được bật để phục vụ sở thích riêng của từng thành viên, đó chính là lúc gia đình bạn đang lãng phí điện năng. Hãy ngồi lại cùng nhau, xem chung một chương trình TV, đó không chỉ là một phương án tiết kiệm điện, mà còn là cách hay để thắt chặt thêm tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.


9. Xem TV ít thôi
Thay vì ngồi lỳ trước TV cả ngày để theo dõi một chương trình truyền hình thực tế, bạn hãy đăng ký tham dự chương trình đó để thử sức mình. Không chỉ là một cách tốt để rèn luyện và thử thách bản thân, bạn còn giải thoát cho chiếc TV, để chúng có thời gian nghỉ ngơi và cắt giảm đáng kể lượng điện năng tiêu thụ.
( Theo Cnet, Số hoá)