Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Cao ốc mọc trên đất cổ phần hóa trái pháp luật

Chính cơ quản lý cũng như các doanh nghiệp, đang tự tạo ra một ngữ cảnh không phù hợp bắt người dân mua nhà phải chịu thiệt thòi.
GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thẳng thắn trao đổi với Đất Việt.
PV:- Thưa ông, thời gian qua hiện tượng hàng loạt các cao ốc thi nhau mọc trên đất di dời, cổ phần hóa doanh nghiệp như tòa nhà 8B Lê trực, ty CP Dệt Mùa Đông ở 47 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - Cty CP Dệt Mùa Đông tiền thân là Cty dệt len Mùa Đông (thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội; dự án Công ty Dệt 8/3 (số 460 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); dự án của Cty CP May Thăng Long (số 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); dự án Cty CP dụng cụ cơ khí xuất khẩu (229 Tây Sơn, quận Đống Đa); dự án nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy)…
Nhiều chuyên gia đã cho rằng, việc cổ phần hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng nếu thực hiện không minh bạch có thể khiến thất thoát tài sản của Nhà nước. Ông bình luận như thế nào về lo ngại này?

GS Đặng Hùng Võ: - Lo ngại trên là thực tế. Câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp thiếu minh bạch, công khai, gây thất thoát tài sản nhà nước sau cổ phần hóa (CPH) đã và đang diễn ra. Họ đang biến mục tiêu CPH để phát triển doanh nghiệp sang mục tiêu sử dụng đất vào các mục đích kinh doanh khác. Trong đó, tòa nhà 8B Lê Trực là điển hình. Chắc chắn sẽ còn rất rất nhiều những dự án kiểu tương tự tòa nhà 8B Lê Trực nữa.
Tôi biết rất nhiều dự án đang thuê đất của doanh nghiệp nhà nước từ giai đoạn trước, quỹ đất này không được đưa vào CPH nhưng lại có quyền sử dụng và biến các quỹ đất đó thành mục tiêu xây dựng nhà ở xen lẫn các trung tâm thương mại. Đây là mô hình chung phổ biến hiện nay. Thực chất, chính là chiêu thức nhằm mục đích kinh doanh BĐS là chính chứ không hướng tới mục đích phát triển doanh nghiệp.
Hiện tượng trên có thể lý giải một phần do quá trình chuyển đổi từ cơ chế kinh tế bao cấp sang cơ chế thị trường. Trong quá trình chuyển đổi cơ chế thị trường, nó sẽ diễn ra một quá trình rất khốc liệt, gọi là quá trình chuyển tài sản nhà nước vào túi tư nhân. Việc này xảy ra ở tất cả các nước có nền kinh tế chuyển đổi như Nga, Ba Lan, Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Trên thực tế, đây là quy luật tất yếu của một quá trình phát triển, vấn đề ở đây là cơ chế quản lý thế nào để hạn chế sự thất thoát tài sản của nhà nước. Nếu quản lý không tốt quy luật này sẽ diễn ra rất mạnh mẽ, và quá trình chuyển tài sản nhà nước vào túi tư nhân sẽ càng diễn ra mạnh mẽ hơn.
Ngược lại, nếu quản lý tốt, quá trình này khó xảy ra hoặc xảy ra rất ít. Vậy, vấn đề của Việt Nam là gì? Tôi cho rằng, chính là khâu quản lý quá yếu kém, lỏng lẻo. Cùng với đó, lại xuất hiện những nhóm lợi ích, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Không ai khác, đây chính là tác nhân thúc đẩy quá trình đẩy tài sản nhà nước vào túi tư nhân ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn.
Tôi nhấn mạnh, lỗi không ai khác là ở chính các cơ quan quản lý.
PV:- Đứng về phía quyền lợi của người mua nhà, tại Điều 126, 147 Luật Đất đai 2013 quy định về thời hạn sử dụng đất, theo đó, đất giao cho cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ có thời hạn từ 50-70 năm. Hết thời hạn, nếu không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi lại thửa đất này.
Điều này liệu có đồng nghĩa, chủ nhân của các căn hộ xây trên những khu đất này chỉ có quyền sở hữu trong thời hạn như trên hay không? Việc cấp sổ đỏ quyền sử dụng đất trong trường hợp này phải được hiểu ra sao, thưa ông?

GS Đặng Hùng Võ: - Về mặt pháp luật, nhà nước quy định đất ở là đất được giao quyền sử dụng và sở hữu vĩnh viễn. Luật cũng quy định, đất để xây nhà chung cư, cũng phải là được giao để ở vĩnh viễn chứ không phải là đất thuê lại của nhà nước. Nhưng thực tế đang mâu thuẫn và sự thật là ở nhiều nơi, nhiều địa phương, vẫn chấp nhận những dự án kiểu một nửa trung tâm thương mại, một nửa là xây các căn hộ chung cư. Việc cấp phép cho các dự án nói trên là hoàn toàn trái pháp luật.
Nguyên tắc đất ở, trong đó có mục đích sử dụng để ở là phải được giao quyền sở hữu vĩnh viễn. Nếu các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp biết chấp hành một cách nghiêm chỉnh quy định trên, chắc chắn không thể có chuyện có những cư dân bỗng nhiên bị thu hồi lại nhà sau khi doanh nghiệp CPH hết thời hạn thuê đất là 50 năm hay 70 năm.

BIDV siết nợ chung cư The Harmona

Vào sinh sống đã nhiều năm, đến tận những ngày gần đây hàng trăm cư dân mới phát hiện ra việc chủ đầu tư đem chung cư đang “cắm” ngân hàng bán cho dân. Nay ngân hàng gửi thông báo thu hồi chung cư để xử lý nợ khiến người dân hoang mang, hoảng hốt.
Bắt đầu bàn giao từ tháng 9/2013, đến nay, The Harmona đã bàn giao cho 100% cư dân. Có thể nói trong tình hình bất động sản đang còn gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án bị “chết đứng”, chủ đầu tư dự án The Harmona và các nhà thầu đã nỗ lực hết mình vượt qua những trở ngại để có thể bàn giao căn hộ sớm nhất cho cư dân.
Tuy nhiên, đằng sau đấy là một việc làm của chủ đầu tư là Công ty CP Thanh Niên (Thanh Nien Corp) và Công ty Xuất nhập khẩu Vật tư Tân Bình (Tamexim) đến nay mới bị phát hiện, đã làm hơn 600 hộ dân cư tại đây "té ngửa"!
The Harmona tọa lạc tại vị trí ngay trung tâm hành chính quận Tân Bình; nằm trong khu vực thương mại sầm uất; gần nhiều tiện ích trường học, bệnh viện, nhà hát, sân bay, sân vận động, ngân hàng,… Sát các con đường lớn, vô cùng thuận tiện giao thông, đi lại như Trường Chinh, Cộng Hòa, Cách mạng Tháng tám, Âu Cơ, Lạc Long Quân,…
Tuy nhiên, vào sinh sống đã nhiều năm, đến tận những ngày gần đây hàng trăm cư dân mới phát hiện ra việc chủ đầu tư đem chung cư đang “cắm” ngân hàng bán cho dân. Nay ngân hàng gửi thông báo thu hồi chung cư để xử lý nợ khiến người dân hoang mang, hoảng hốt.
Ông Bùi Hữu Thuận, trưởng ban quản trị chung cư The Harmona, cho biết cư dân chung cư sốc nặng khi nhận được thông báo trên. Theo ông Thuận, người dân mua nhà từ Công ty cổ phần Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình - Tamexim từ năm 2010 trở về trước dưới hình thức góp vốn, đến cuối năm 2013 chủ đầu tư giao nhà, ký hợp đồng mua bán nhà với người dân. Khi mua nhà, chủ đầu tư không đề cập gì đến việc dự án đang bị thế chấp ngân hàng.
Một cư dân, cũng là phó tổng giám đôc một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM, cho biết đã mua căn hộ ở đây từ năm 2014 với giá gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình mua bán nhà và dọn về sinh sống không mảy may nghi ngờ gì về việc toàn bộ khu đất và tài sản trên đất đã bị cầm cố ngân hàng trước đó. Nhiều lần chủ đầu tư họp dân đã hứa sẽ sớm thực hiện thủ tục và cấp sổ hồng cho dân, nhưng đến nay lời hứa vẫn chỉ là lời hứa.
"Việc dự án cầm cố ngân hàng là trách nhiệm của chủ đầu tư và ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn. Cư dân chúng tôi ban đầu quá hoảng sợ vì nghĩ rằng dự án sẽ bị phong tỏa, sẽ phải dọn ra đường ở. Tuy nhiên, chắc sẽ không có chuyện này bởi vì còn phải chờ tòa án phán quyết ra sao", vị này cho biết.
Nói về vấn đề này, ông Thuận cũng cho biết thêm ngân hàng BIDV ra thông báo là đúng theo thủ tục, trình tự thu hồi nợ với chủ đầu tư. Trong hội nghị nhà chung cư bất thường vào chủ nhật này chúng tôi và đích thân chủ đầu tư phải trả lời thấu đáo các vấn đề này để người dân an tâm sống.
Chiều hôm qua (26/5), UBND P.14 đã làm việc với đại diện chủ đầu tư, đại diện cư dân chung cư The Harmona và phòng, ban liên quan đến việc quản lý dự án.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, phó tổng giám đốc Tamexim, thừa nhận công ty có bảo lãnh cho Công ty cổ phần Thanh Niên vay tiền tại ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn. Theo thỏa thuận giữa các bên, đến ngày 15/6/2016 Công ty cổ phần Thanh Niên sẽ trả hết nợ. Được biết, hợp đồng vay này khoảng 244 tỷ đồng.
“Đại diện chủ đầu tư, tôi xin lỗi cư dân vì sự việc trên đã làm người dân hoang mang. Hiện Công ty cổ phần Thanh Niên có đủ khả năng thanh toán hết khoản nợ trên vào thời điểm 15/6/2016 như đã cam kết với ngân hàng. Sau khi ngân hàng giải chấp, chủ đầu tư sẽ nhanh chóng làm thủ tục cấp giấy chủ quyền căn hộ cho người dân”, ông Hoàng cam kết.
Tuy nhiên, nhiều cư dân phản ứng rằng theo thông báo của Ngân hàng BIDV Bắc Sài Gòn thì ngày 9/6 sẽ thu hồi chung cư để xử lý, mà chủ đầu tư cam kết đến 15/6 mới trả nợ thì sao dân hết lo cho được?
Lập tức ngay sau đó, phía chủ đầu tư đã ra văn bản cam kết lại những nội dung tại cuộc họp và thực hiện đầy đủ các cam kết về việc trả nợ và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho dân. Việc thực hiện các cam kết phải tích cực, không để dân mất niềm tin. Dự kiến trong hôm nay, chủ đầu tư sẽ gặp đại diện cư dân để thông tin rõ ràng những nội dung cam kết trên, trực tiếp xin lỗi đại diện cư dân và có thư xin lỗi cư dân công bố tại chung cư.
Trao đổi với chúng tôi vào tối hôm qua, ông Thuận cho biết không rõ chủ đầu tư sử dụng nguồn tiền cầm cố này váo việc gì và lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng. "Tuy nhiên, đó là việc của họ! Theo chỉ đạo của chính quyền địa phương thì chủ đầu tư buộc phải thực hiện đúng các cam kết như trên", ông Thuận nói.

Bất động sản nghỉ dưỡng- đầu tư và cạnh tranh

Trong số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam hơn 70% khách lựa chọn du lịch biển tập trung ở các thành phố biển miền Nam và Trung bộ.
Đây là thông tin vừa được công ty Savills công bố. Thông tin này đã khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng thêm “nóng” trong những ngày hè năm nay.
Theo báo cáo của công ty tư vấn bất động sản quốc tế Savills, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) xếp trong danh sách top 5 các nước ASEAN có lượng khách du lịch quốc tế cao nhất, ước tính đạt 8 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 9%/năm trong 5 năm gần đây.
Trong thập kỷ vừa qua, hơn 70% khách quốc tế lựa chọn du lịch biển trong các kỳ nghỉ đến Việt Nam. Phần lớn lượng khách du lịch này đến từ các nước ôn đới như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nga và Trung Quốc.
Vì thế, các thành phố biển miền Nam và Trung bộ với khí hậu ấm áp quanh năm là những điểm đến được yêu thích nhất. Từ năm 2010 đến 2015, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc tăng trưởng mạnh, xấp xỉ 23% mỗi năm, và chiếm 30% tổng lượng khách cả nước.
Nếu như vào mùa đông, lượng khách nội địa giảm sút thì ở những dự án nằm trong vùng khí hậu ấm áp lại vẫn đón được lượng lớn khách quốc tế. Đối tượng khách hàng này thường rất khó tính và đòi hỏi dịch vụ hoàn hảo đến từng chi tiết nên thường ưu tiên lựa chọn những dự án được quản lý bởi thương hiệu quốc tế uy tín.
Ở các thành phố biển này, bất động sản nghỉ dưỡng là sản phẩm chủ chốt trong định hướng phát triển của địa phương với nhiều lựa chọn về hình thức và giá cả. Sản phẩm biệt thự biển và căn hộ khách sạn (condotel) đang trở nên tương đối phổ biến với khách hàng trong và ngoài nước.
Tình hình kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại các thành phố biển khu vực Nam Trung Bộ rất tốt nhờ lượng khách quốc tế đến nghỉ dưỡng tăng cao. Do đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng khu vực này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, cũng theo nhận định của Savills, sự xuất hiện của nhiều biệt thự, căn hộ cho thuê cũng không tránh khỏi những áp lực về chất lượng quản lý và giá thuê đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng nói chung.
Một số chuyên gia cho rằng đây chính là cơ hội mang đến sự chuyên nghiệp và dịch vụ đẳng cấp cho phân khúc nghỉ dưỡng vốn có tính đặc thù này. Bằng chứng là sự vào cuộc của thương hiệu quản lý quốc tế. Điều này mang đến một bức tranh mới và nâng tầm cho thị trường nghỉ dưỡng của Việt Nam. Đối với giới đầu tư, đây cũng là cơ hội mang đến lợi nhuận hấp dẫn.
Hiện nay trên thị trường, nhiều khách hàng đang dành sự quan tâm đặc biệt cho dự án Mövenpick Cam Ranh Resort. Lý giải về điều này, họ cho biết cảm thấy hài lòng khi đây là khu nghỉ dưỡng được chăm sóc, vận hành, quản lý theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế và người mua được quyền sở hữu và chuyển nhượng dưới thương hiệu Mövenpick Villas. Đặc biệt có sự xuất hiện của sản phẩm mới là Mövenpick Condotel, mang đến cơ hội đầu tư tốt cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Bên cạnh phương thức quản lý linh hoạt cho phép người mua được ở tại biệt thự với thời gian lên đến 6 tháng/năm, chủ đầu tư còn cam kết chia sẻ 85% lợi nhuận cho thuê và không dưới 10%/năm trong vòng 10 năm đối với Villa và 5 năm đối với Condotel - mức cam kết lợi nhuận cao nhất hiện nay trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cao hơn cho khoản đầu tư của mình, khách hàng có thể lựa chọn phương án được bảo lãnh của ngân hàng VP Bank với mức cam kết lợi nhuận tối thiểu 9%/năm. Mövenpick Cam Ranh Resort là sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam thực hiện chính sách ngân hàng bảo lãnh cam kết lợi nhuận này.

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Cẩn thân sập bẫy nhà trên giấy theo gói 30.000 tỷ

Gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng sắp chính thức kết thúc, cũng là lúc mà nhiều chủ đầu tư tăng tốc độ xây dựng để được giải ngân, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp đang khóc dở mếu dở.

Lo ế nhà xã hội

Là một doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội với dự án 1.900 căn hộ tại Hà Đông, chủ đầu tư dự án phải đối mặt với nhiều khó khăn, đó là khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc đồng nghĩa với sự hấp dẫn của loại hình căn hộ giá rẻ này sẽ không còn, người mua sẽ cân nhắc nhiều hơn.

Ông Phạm Minh Tuấn, phó giám đốc một công ty xây dựng, bức xúc: “Doanh nghiệp chúng tôi đang là nạn nhân của gói 30.000 tỷ đồng. Đúng vào thời điểm dự án này được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh thì gói tín dụng này khép lại”.



Ông Tuấn cho biết, trong lễ mở bán, chủ đầu tư tiếp nhận đơn đăng ký mua nhà và đã nhận được hàng nghìn lá đơn đăng ký mua. Khi gói 30.000 tỷ khép lại, những tờ giấy này đành "nằm im" trong ngăn bàn.

Những người sử dụng gói 30.000 tỷ đa số là người thu nhập thấp, do đó khi gói này kết thúc thì nhu cầu của họ gần như trở về 0. “Hàng ngày, chúng tôi phải trả lời rất nhiều khách hàng với câu hỏi: bao giờ có gói tương tự như vậy?”, ông nói.

Theo đánh giá của doanh nghiệp trên, nhà ở xã hội là rất cấp thiết và cấp bách bởi đối tượng mua là những đối tượng có nhu cầu ở thật. Về mặt chính sách, Chính phủ cũng đã khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào phân khúc này, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Tôi nghĩ Chính phủ nên sớm có chính sách cụ thể để tháo gỡ những khó khăn đối với loại hình dự án này. Chúng tôi cũng rất mong độ trễ của chính sách từ chủ trương đến thực hiện được rút ngắn và xác định thời điểm cụ thể sẽ được thực thi”, ông Tuấn kiến nghị.

Cũng trong tình cảnh tương tự, giám đốc một doanh nghiệp nhà giá rẻ tại Hà Đông cho hay, các dự án của chủ đầu tư đã bán hết trước đó do được vay ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng. Ông đang lo lắng, sắp tới đây, nếu không có gói ưu đãi nào cho nhà giá rẻ thì chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc lại các dự án trong tương lai để đảm bảo đầu ra.


Bên cạnh đó, do chạy nước rút nên thị trường xuất hiện nhiều trường hợp lợi dụng để giải ngân. Bản tin Tài chính kinh doanh VTV1 lúc 7h sáng ngày 18/5 đã đưa thông tin về hiện tượng cò mồi (có thể có quan hệ với chủ đầu tư) móc nối với khách hàng đã vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để ký khống biên bản bàn giao nhà nhằm giải ngân đến 95% hợp đồng vay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng, nếu việc này xảy ra thì sẽ gây thiệt hại cho người vay và có thể cho cả ngân hàng, vì chủ đầu tư có thể sử dụng nguồn vốn này vào mục đích khác mà không hoàn thành bàn giao nhà; người vay còn bị thiệt vì sẽ phải trả lãi vay nhiều hơn do việc giải ngân sớm.

Sẽ có thêm gói ưu đãi

Theo báo cáo giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, đến ngày 10/3/2016, các ngân hàng thương mại đã ký cam kết cho vay là 30.122 tỷ đồng với 46.246 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng (đạt 71%).

Theo đề nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo và đã được Chính phủ cho phép tiếp tục giải ngân đến hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngày 28/3/2016, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn hỏa tốc số 1953/NHNN-TD thông báo quyết định chấm dứt nhận hồ sơ vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 31/3/2016.

Việc công bố thời điểm kết thúc nhận hồ sơ là cần thiết vì tổng giá trị hợp đồng cam kết cho vay tại thời điểm ngày 10/3/2016 đã vượt quá hạn mức 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 23/NQ-CP ngày 30/03/2016 của Chính phủ.

Đại diện Hiệp hội BĐS TP HCM kiến nghị, cần thống kê, xác định số dư nợ theo các hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của từng ngân hàng thương mại. Sau ngày 31/05/2016, các ngân hàng thương mại được tiếp tục giải ngân cho khách hàng vay đến hết hợp đồng theo tiến độ và điều kiện giải ngân đã xác định trong hợp đồng tín dụng để các doanh nghiệp và người vay yên tâm.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết, đối với các doanh nghiệp, khi chuyển sang lãi suất thương mại thì DN phải tính vào sản phẩm của họ nên giá bán tăng. Do vậy, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ, nếu các DN đã ký hợp đồng rồi tiếp tục được giải ngân với lãi suất như quy định.

Trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội của Chính phủ đã quy định 2 nguồn vốn cho DN và người dân để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại quy mô nhỏ giá rẻ.


Ông Nam cho biết, NHNN đã có những bước triển khai ban đầu. Những ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 3% tổng dư nợ của mình để cho vay với các điều kiện ưu đãi cho DN, hợp tác xã và người dân trong việc mua bán nhà ở xã hội. 3% tương đương 300.000-400.000 tỷ đồng là con số tương đối lớn. Gói này không có giới hạn khi nào dừng.

NHNN chỉ định 4 ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank phải làm việc này và ban hành Thông tư số 25 hướng dẫn điều kiện, cách thức, đối tượng cho vay, nội dung giống gói 30.000 tỷ đồng.

Theo ông Nam, các ngân hàng thương mại chưa triển khai vì họ phải giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Ngân hàng chính sách được cấp vốn từ chính sách, huy động vốn từ thị trường để cho DN và người dân mua nhà ở xã hội vay. Ngân hàng chính sách chịu trách nhiệm xây dựng đề án, báo cáo Chính phủ với những điều kiện như gói 30.000 tỷ.

“Thay vì gói 30.000 tỷ, giờ có 2 nguồn vay là các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách. Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng ngân hàng chính sách hoàn thiện gói vay này để trình Chính phủ”, ông Nam nói.

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Với 1 tỷ đồng mua được căn hộ chung cư dự án nào ở Hà Nội

Khá ít dự án chung cư giá bình dân được mở bán trong thời gian qua, tạo nên sự khan hiếm nhất định ở phân khúc này.
Xu hướng đi lên của thị trường căn hộ bắt đầu từ khoảng cuối 2013, khi đó thị trường phải nhờ tới những dự án giá rẻ “làm mồi” cho sự phục hồi, dự án căn hộ cao cấp gần như “im hơi lặng tiếng”.
Tuy nhiên, đến nay thì phân khúc cao cấp lại đang lấn át thị trường. Bà Nguyễn Hoài An, Phó Giám đốc Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho biết, quý đầu tiên của năm 2016, thị trường bất động sản Hà Nội có 4.318 căn hộ được mở bán. Trong đó, phân khúc cao cấp và trung cấp hoàn toàn chiếm ưu thế trên thị trường, lần lượt chiếm 48% và 36% thị phần. Phân khúc nhà giá rẻ chỉ còn chưa đầy 20%.
Điểm trên thị trường BĐS 5 tháng đầu năm nguồn cung căn hộ mới tầm 1 tỷ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết các dự án này đều được khởi công vào cuối năm 2015, hiện đang bắt đầu xây phần thân và có thời gian bàn giao vào năm 2017. Giá bán giao động quanh mức 16-18 triệu đồng/m2.
Cụ thể, tại dự án Tứ Hiệp Plaza (KĐT Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Vinh Hạnh làm chủ đầu tư. Dự án này khởi công từ cuối năm 2015, đến đầu năm 2016 các căn hộ tại đây được chủ đầu tư bán với giá từ 15-17 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, từ khoảng tháng 3 khi dự án đang xây hầm thì bị đình chỉ thi công do gây lún nứt nghiêm trọng Bệnh viện Nội Tiết bên cạnh.
Một cái tên cũng mới bắt đầu nổi lên trong phân khúc nhà giá rẻ làChung cư FLC Garden City Đại Mỗ (Quận Nam Từ Liêm) của Tập đoàn FLC Group. Cũng được khởi công xây dựng từ quý 4/2015, đến tháng 3/2016 các căn hộ tại đây chính thức mở bán ra thị trường với giá từ 16-18 triệu đồng/m2.
Cách FLC Garden City không xa là dự án chung cư Xuân Phương Residence của Công Ty CP Tasco. Dự án này cũng đang được rao bán trên thị trường với mức giá từ 15,5-18 triệu đồng/m2. Được khởi công từ tháng 11/2015, hiện tại dự án đang xây đến tầng 2 phần thân và sẽ bàn giao vào cuối năm 2017.
Một dự án đã từng "làm mưa làm gió" trên thị trường BĐS thời gian qua là khu chung cư West Bay Sky Residences tại khu đô thị Ecopark do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Đây cũng là dự án duy nhất xuất hiện tình trạng khách hàng xếp hàng mua thâu đêm nhà hiếm gặp trong các giao dịch bất động sản thời gian gần đây.
Các căn hộ West Bay Sky Residences được xây dựng trên diện tích 2,7ha. Các căn hộ tại đây có diện tích chỉ từ 45-65 m2 tương ứng 1 – 3 phòng ngủ nhắm vào phân khúc khách hàng trẻ tuổi. Dù có diện tích khá nhỏ nhưng mật độ xây dựng thấp chỉ 22% và chủ đầu cam kết tiện ích tiêu chuẩn 5 sao nên đã hút một lượng lớn người có nhu cầu mua nhà quan tâm. Đây cũng là lý do ngay trong buổi sáng ngày đầu tiên của cả 3 đợt mở bán các tòa B, C, D, hơn 90% số căn hộ đều tìm được chủ nhân. Được biết, cuối tuần này chủ đầu tư sẽ mở bán tòa A - tòa tháp cuối cùng tại West Bay Sky Residences với giá từ 688 triệu đồng/căn.
Ngoài những dự án mới thì hiện nay thị trường BĐS cũng đang đón nhận hàng loạt dự án chung cư giá rẻ tái khởi động sau một thời gian dài đắp chiếu.
Đi đầu trong xu hướng này là Dự án chung cư HP Landmark TowerLê Văn Lương (Hà Đông) do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư. Thực chất dự án này chính là tòa nhà CT2 - 105 Usilk City đã từng chậm tiến nhiều năm nay của Công ty Sông Đà Thăng Long. Sau khi nhận chuyển nhượng,Hải Phát đã cấp tập thi công tòa chung cư này đến tầng 16. Hiện nay Các căn hộ tại đây đang được bán với giá từ 18-20 triệu đồng/m2.
Một dự án khác cũng đang "sống lại" thời gian gần đây là dự án Tháp Doanh Nhân (Hà Đông) của Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô. Từ khi được khởi công vào năm 2011 dự án này đã dính phải hàng loạt vụ bê bối về tiến độ cũng như pháp lý. Từ đầu năm 2016, chủ đầu tư rầm rộ truyền thông đang tái khởi động dự án. Hiện nay, các căn hộ chung cư tại đây được bán với giá từ 19-20 triệu đồng/m2.
Ngoài nguồn cung căn hộ kể trên, hiện nay thị trường cũng đang có một số dự án chung cư giá rẻ khác như Dự án Gemek Premium huyện Hoài Đức (18 triệu đồng/m2); Tòa T2, Dự án Thăng Long Victory An Khánh (13-15 triệu đồng/m2), Dự án The Golden An Khánh (14 triệu đồng/m2); Dự án Xuân Mai Spark State Dương Nội (16 triệu đồng/m2)… Tuy nhiên, các dự án này đã được chủ đầu tư mở bán khá lâu và số lượng còn lại không nhiều.

Ưu ái bất thường với dự án đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng

Những lùm xùm xung quanh việc đầu tư BOT đã và đang được các chuyên gia phân tích với nhiều khía cạnh khác nhau. Ở góc độ người trong cuộc, ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng: các doanh nghiệp đầu tư BOT đang được ưu ái một cách bất thường.
Điều 5, Nghị định 108/2009/NĐ-CP quy định: Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của DN dự án không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư của dự án hoặc ít hơn với dự án trên 1.500 tỷ đồng. Với những dự án BOT có tổng đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ thì con số 15% nói nên điều gì, thưa ông?
Rõ ràng, 15% vốn tự có của doanh nghiệp đầu tư so với tổng vốn đầu tư dự án BOT hàng trăm, hàng nghìn tỷ đã là quá thấp. Riêng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng , có Quyết định riêng (Quyết định 1621 và Quyết định 746), cho phép VIDIFI được sử dụng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp của các KĐT và KCN, đồng ý số vốn tự có của VIDIFI chỉ có 3.200 tỷ (chiếm chưa được 10% so với tổng vốn đầu tư).
Nhà nước huy động tư nhân vào đầu tư hạ tầng vì nhà nước thiếu vốn nhưng khi nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng lại dựa vào 85% vốn vay ngân hàng, thậm chí là nhiều hơn thế chẳng khác nào “tay không bắt giặc”.
Đơn cử như dự án đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng được Nhà nước hỗ trợ 39% tổng vốn đầu tư, trong đó đa phần liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng… trong khi các dự án khác Nhà nước hỗ trợ tối đa 15% là cùng. Đã thế, chính phủ quyết định cho ngân hàng Phát triển Việt Nam và ngân hàng Ngoại thương (VCB) cho VIDIFI vay 70% vốn đầu tư và thậm chí Bộ Tài chính còn bảo lãnh cho cả 2 ngân hàng cho VIDIFI vay vốn. Các khoản mà hai ngân hàng cho doanh nghiệp vay có thể lấy từ vốn ODA rồi cho VIDIFI vay lại. Không những vậy, nhà nước còn cho phép đổi đất lấy hạ tầng bằng việc phê duyệt cho VIDIFI đầu tư khu đô thị 400 ha ở Gia Lâm, khu đô thị 150 ha ở Hải Phòng và 6 KCN ở Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương.
– Trở lại dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, dư luận đang bức xúc cho rằng dự án dường như được ưu ái một cách bất thường, thậm chí hơn hẳn các dự án BOT khác. Ông nghĩ sao về điều này?
Chúng ta thấy rõ nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang được ưu đãi . Cùng là dự án được đầu tư theo hình thức BOT và tầm quan trọng cũng không phải ít hơn, nhưng các dự án BOT khác đều có vốn ban đầu là 15% theo quy định. Cụ thể, dự án BOT Quốc lộ I, đoạn Cai Lậy, Tiền Giang có tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư có trên 200 tỷ đồng; Dự án BOT QL I, đoạn qua Bình Thuận có tổng vốn đầu tư gần 2.600 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 400 tỷ đồng; Dự án mở rộng QL I đoạn qua tỉnh Bình Định và Phú Yên có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ, vốn chủ sở hữu có gần 280 tỷ…
Trong khi, dự án đường cao tốc có tổng mức đầu tư gần 50.000 tỷ đồng mà vốn chủ sở hữu chỉ có 3.200 tỷ đồng. Tôi thấy đó là một sự ưu ái không hề nhỏ. Không những được ưu ái về số vốn ban đầu, VIDIFI còn được khá nhiều ưu ái riêng. Đó là chưa kể có trong việc thu phí đã được duyệt của VIDIFI có sự không công bằng.
– Sự không công bằng đó được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Theo quy định, dự án BOT phải tuân thủ quy định cứ 3 năm nhà đầu tư mới được đề xuất điều chỉnh mức thu phí một lần. Nhưng với đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, mới đi vào khai thác được gần 6 tháng, phí đã được điều chỉnh tăng sau 4 tháng.
Sau khi VIDIFI thực hiện tăng phí cả 2 con đường huyết mạch, đường cao tốc và đường 5 thì DN lẫn người dân đều phản đối rất gay gắt. Hơn nữa, đáng lẽ, trước khi tăng phí, VIDIFI phải lấy ý kiến của các doanh nghiệp vận tải và người dân thì VIDIFI lại áp đặt một mức phí khá cao ép doanh nghiệp vào thế không có sự lựa chọn.
– Nhiều chuyên gia cho rằng việc đầu tư BOT không hề có rủi ro và luôn có lãi nhưng phía VIDIFI luôn “kêu” lỗ. Ông lý giải thế nào về điều này?
Vấn đề lỗ hay lãi của nhà đầu tư BOT thì chúng ta không thể nắm rõ. Nhưng có một điều các điều khoản trong các hợp đồng BOT đường bộ thường có lợi cho nhà đầu tư. Những tình tiết trong hợp đồng nếu ảnh hưởng doanh thu nhà đầu tư đều được kéo dài thời gian thu phí.
Theo Điều 34, doanh nghiệp đầu tư BOT còn được hỗ trợ đến mức tối đa: Doanh nghiệp dự án được tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu đúng, thu đủ giá và phí dịch vụ và các khoản thu hợp pháp khác từ việc khai thác công trình. Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp dự án có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ thu phí hoặc các khoản thu khác từ việc kinh doanh công trình.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn được những lợi ích khác như được kinh doanh các dịch vụ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi đường, được đầu tư các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ dọc tuyến (với đường cao tốc) và một số quyền khác. Với dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng lúc đầu dự kiến tổng vốn đầu tư chỉ trên 24.500 tỷ đồng (vào thời điểm khởi công 2008), nhưng đến khi hoàn thành lên tới 45.487 tỷ đồng. Và chủ đầu tư là VIDIFI được trở thành chủ đầu tư một số dự án đô thị lớn tại Quốc lộ 5 theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.
Rõ ràng, với cách thu phí kiểu tận thu như VIDIFI chỉ có lợi cho một doanh nghiệp, nhưng là hại chung bởi không nghĩ đến hiệu quả kinh tế của người dân và xã hội. Đó chẳng phải là một biểu hiện rõ ràng nhất của lợi ích nhóm?

Đại gia ở penthouse triệu đo vẫn bị lỗ 4 tỷ mỗi năm

Một căn hộ penthouse đang được rao bán với mức giá 22 tỷ đồng. Điều khiến thị trường xôn xao bởi chỉ sau một năm, chủ nhà đã phải chấp nhận lỗ tới tận 4 tỷ đồng.
Giảm giá tiền tỷ vẫn ế
Một trang rao vặt về bất động sản đang rao bán căn hộ penthouse tại phía Tây Hà Nội. Theo lời giới thiệu của nhân viên môi giới, căn hộ rộng 433m2, nằm ở tầng cao nhất của tòa nhà chung cư, sổ đỏ chính chủ. Tuy nhiên, căn hộ này chưa hoàn thiện, không có nội thất. Mức giá đưa ra 22 tỷ đồng vẫn có thể thương lượng.
Ngay sau khi được rao, một nhân viên môi giới tiết lộ: “Năm ngoái căn hộ này rao 26 tỷ đồng, qua một năm, chắc không ai mua giảm xuống còn 22 tỷ đồng, như vậy đã giảm tận 4 tỷ đồng. Con số 4 thì thấy bình thường nhưng đơn vị tỷ đồng thì quả là một số tiền lớn”.
Theo nhân viên môi giới, dù chấp nhận đưa ra mức giá 22 tỷ đồng nhưng căn hộ penthouse này vẫn rất khó bán trong thời điểm hiện nay. “Giá 22 tỷ, giới nhà giàu hoàn toàn có thể mua được một căn biệt thự đẳng cấp ở mặt đất. Quan niệm của dân mình là ở dưới đất vẫn hơn, ít ai muốn leo lên tầng cao lắm”. Bình luận về mức giảm 4 tỷ đồng, vị này cho rằng số tiền đó đủ để mua hai căn hộ chung cư bình dân tại Hà Nội.
Nhân viên môi giới nói thêm, ở tòa chung cư này, các căn hộ penthouse đều có chủ nhưng đều đang được rao bán. Nguyên nhân, giá căn hộ tại đây dù được cho là hạng A song vẫn mất giá bởi thời gian qua, hàng loạt vụ kiện cáo đã xảy ra, gây mất uy tín cho tòa nhà. Bên cạnh đó, chất lượng và dịch vụ chưa thực sự tương xứng nên rất ít giao dịch.
Đại diện một đơn vị tư vấn bất động sản cho biết, penthouse là một thị trường ngách của bất động sản. Việc giảm giá có thể do chủ nhà phải điều chỉnh, mức giá đưa ra ở thời điểm trước đó đã rất lâu, giờ có sự thay đổi, họ buộc phải giảm giá. Nhưng, sự thay đổi này là khá nhiều
Đưa ra lý do căn hộ penthouse ít được ưu chuộng, lãnh đạo đơn vị tư vấn cho rằng phân khúc này rất kén khách. Cũng giống như biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, đối tượng khách hàng rất hạn chế, giá rất cao. Tuy nhiên, chất lượng mỗi penthouse mới tương ứng với chất lượng của tòa nhà đó, ví như ở tầng cao nhất nên nó được đầu tư thêm bể bơi, nhiều tiện ích khác so với các căn hộ bình thường, còn đẳng cấp nếu so với các dự án khác trong khu vực thì chưa xứng tầm.
Ế ẩm penthouse
Khảo sát cho thấy, phân khúc căn hộ penthouse tại Hà Nội khá trầm lắng. Hàng chục tòa nhà có căn hộ penthouse nhưng số lượng bán được chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí có dự án không bán nổi căn nào.
Rất nhiều dự án quảng cáo về loại hình căn hộ này, song người mua thường không mấy quan tâm bởi thực tế, các căn hộ penthouse chỉ khác ở chỗ “trên tầng cao nhất của tòa nhà”, còn về chất lượng, đẳng cấp không có nhiều sự khác biệt.
Giám đốc kinh doanh sàn BĐS tại Hà Đông chia sẻ: “Dự án căn hộ của tôi có cũng căn hộ penthouse, nhưng hiện chủ nhà đều là lãnh đạo công ty. Do khó bán được nên mỗi lãnh đạo đều có một suất để ở, mỗi căn hộ rộng hơn 200 m2, gồm cả sân vườn rộng rãi”.
Vì vậy, penthouse giảm giá theo xu thế chung. Tuy nhiên, nguyên nhân của sự sa sút này một phần còn vì biệt thự trên cao được định vị chưa đúng hoặc quá dễ dãi từ thời thị trường còn nóng sốt. Ông cho biết thêm, căn hộ penthouse tại Hà Nội thường ế ẩm bởi lý nhiều người dân vẫn lo ngại về vấn đề cháy nổ, chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, với tập quán chuộng nhà có đất, nhiều người vẫn thích lựa chọn không gian riêng biệt của một biệt thự riêng, thay vì chọn một căn hộ thông tầng thuộc một dự án với số tiền đầu tư bỏ ra là ngang nhau, thậm chí còn lớn hơn.
Penthouse đúng nghĩa chỉ dành cho giới đại gia và trong thực tế, số dự án có căn hộ loại này đạt chuẩn rất ít. Phần lớn các sản phẩm penthouse chỉ là sự “gắn mác”, người nghèo không với tới, còn giới siêu giàu cũng chẳng mấy quan tâm vì chất lượng quá thấp cho một cuộc sống xa hoa đúng nghĩa.

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Khi bất động sản nghỉ dưỡng bất ngờ đôi chiêu

Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang kéo nhà đầu tư trở lại bằng những chính sách bán hàng nhiều sáng tạo.
Đánh giá về triển vọng phân khúc BĐS nghỉ dưỡng trong năm nay, Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển của CBRE Việt Nam từng cho rằng, năm 2016 sẽ là tâm điểm của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bởi theo thực tế, năm 2014 thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục, 2015 là tăng trưởng mạnh. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thông thường sẽ đi sau thị trường bất động sản truyền thống khoảng nửa năm đến 1 năm.
Bà Dung cho biết, tốc độ tăng trưởng khách du lịch tại các khu biển nghỉ dưỡng là rất khả quan. Khách tới các điểm Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc tăng đột biến qua mỗi năm với khả năng chi trả du lịch tăng rất cao, đặc biệt là chi trả cho dịch vụ du lịch 4 và 5 sao. Đó là lí do phân khúc nghỉ dưỡng sẽ có bước phát triển đột phá trong năm 2016.
Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang hấp dẫn các nhà đầu tư trở lại. Tuy nhiên, không như giai đoạn sốt nóng năm 2008-2011, khi tất cả chỉ chăm chăm xây nhà hoặc căn hộ để bán, nhiều chủ đầu tư đang đưa ra những mô hình hoặc cách thức kinh doanh mới hơn để thu hút nhà đầu tư.
Điển hình là sở hữu kỳ nghỉ (Vacation Ownership) đang trở thành một xu thế đầu tư mới trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Đây là mô hình kinh doanh hướng đến những khách hàng có nhu cầu nhưng lại chưa đủ khả năng tài chính sở hữu một căn hộ nghỉ dưỡng đắt tiền. Mô hình này đang được áp dụng tại một số dự án có thể kể đến như Khu biệt thự nghỉ dưỡng Alma (30 ha) tại Bãi Dài, Cam Ranh, Khánh Hòa, khu phức hợp khách sạn - căn hộ - sân golf Sea Links ở Mũi Né (Phan Thiết)...
Cụ thể, tại dự án Alma, khách hàng chỉ cần trả trước phí một lần trong khoảng thời gian nhất định (40 năm) để sở hữu thẻ thành viên. Mức giá cho gói kỳ nghỉ nhỏ nhất mà Alma đang chào bán vào khoảng 10.000 USD, tương đương hơn 200 triệu đồng (kỳ nghỉ 1 tuần trong vòng 40 năm cho căn hộ 70m2). Mức giá này sẽ tăng dần trong những năm sau đó tùy theo nhu cầu của thị trường.
Không áp dụng mô hình sở hữu kỳ nghỉ nhưng các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng trong nước cũng linh động không kém khi ra hình thức phân chia lợi nhuận với khách hàng (Timeshare). Theo hình thức này chủ đầu tư căn hộ, biệt thự ở các khu nghỉ dưỡng sau khi mua có thể cho thuê và chia sẻ lợi nhuận từ 8 - 10% trên tổng giá trị đầu tư của căn hộ/năm. Cho tới nay, nhiều khu nghỉ dưỡng ở VN sử dụng hình thức này như The Nam Hai ở Hội An, Furama ở Đà Nẵng....
Ngoài hình thức cam kết sinh lời thì các ông chủ dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang kéo nhà đầu tư trở lại bằng những chính sách bán hàng sáng tạo như xây dựng những căn hộ nghỉ dưỡng có diện tích nhỏ. Có thể kể đến như dự án Diamond Bay Resort 2 của Công ty Hoàn Cầu Nha Trang đều có diện tích căn hộ từ 46-70 m2. Tương tự, Khu căn hộ hướng biển Stellar An Viên Nha Trang của Công ty Sông Đà Nha Trang có diện tích chỉ 45-60 m2. Trong khi đó, phần lớn những dự án căn hộ nghỉ dưỡng trong giai đoạn trước đây đều có thiết kế thấp nhất là 60 m2.
Bên cạnh những giải pháp tài chính sinh lợi hiệu quả thì ngày nay nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng được chủ đầu tư phát triển cùng với những xu hướng mới. Có thể kể đến xu hướng kết hợp giữa nghỉ dưỡng và giải trí tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Được biết, tại dự án này chủ đầu tư định hướng phát triển Cocobay là dự án du lịch giải trí đẳng cấp, cung cấp nhiều giải pháp du lịch và giải trí quy mô lớn, đồng bộ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Dự án có hàng trăm các hạng mục giải trí tiện ích cao cấp, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của mọi lứa tuổi như Phố đi bộ, Sân khấu ngoài trời hiện đại, hoành tráng bậc nhất; Nhà hát, Nhạc nước laser, công viên trải nghiệm, Không gian nghệ thuật triển lãm; Các khu vui chơi giải trí; Nhà hàng; mua sắm; ẩm thực; Condotel Resort… Dự án này đang được VNG Việt Nam phân phối trên thị trường, VNG Việt Nam cũng là đơn vị đã phân phối thành công hàng loạt dự án tầm cỡ tại Đà Nẵng như FPT City Đà Nẵng, Cẩm An - Hội An, Furama..
Theo đánh giá của gới chuyên gia, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn được coi là có tiềm năng lớn và đang trong trạng thái tăng cung khá mạnh kể từ năm 2015. Phân khúc này vẫn có nhiều triển vọng phát triển mạnh hơn vào năm 2016 và những năm tiếp theo. Cũng chính vì thế mà các chủ đầu tư sẽ tiếp tục có những chính sách linh hoạt trong bán hàng để đem lại cơ hội đầu tư tốt nhất cho người mua.

Địa ốc phía Tây Hà Nội đón sự đổi mới từ hạ tầng giao thông

Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại phía Tây Hà Nội đã và đang giải quyết được vấn đề kết nối với trung tâm và liên vùng, tạo động lực thúc đẩy thị trường bất động sản tăng nhiệt.
Hạ tầng “kích” bất động sản
Năm 2008, tỉnh Hà Tây cũ được sáp nhập vào Hà Nội mở ra hướng phát triển mới cho Thủ đô. Theo quy hoạch, Thủ đô sẽ phát triển về hướng Tây dọc các trục hướng tâm mà điển hình là Đại lộ Thăng Long, một trong những tuyến đường đẹp nhất Việt Nam hiện nay.
Cùng với Đại lộ Thăng Long, trục đường vành đai 3 và đường trên cao chạy qua địa phận các quận như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai; tuyến Lê Văn Lương kéo dài, Lê Trọng Tấn kết nối Hoài Đức –Hà Đông… đã tạo nên một “làn sóng” phát triển hạ tầng ở khu vực này.
Từ đó, khu Trung Hòa - Nhân Chính, Cầu Giấy (phía trong đường trên cao), khu Mỹ Đình (phía ngoài đường trên cao)… trở nên sầm uất và được xem như là trung tâm tài chính, thương mại mới của Thủ đô.
Đặc biệt gần đây phía Tây đón nhận hàng loạt tin vui khi các dự án trọng điểm hoàn thành. Có thể kể tới như hầm chui Đại lộ Thăng Long –Trần Duy Hưng, hầm chui nút giao Thanh Xuân, đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh sắp hoàn thành,… đã góp phần quan trọng giảm áp lực giao thông cho khu vực.
Sắp tới, khi tuyến đường vành đai 4 được triển khai kết nối với Đại lộ Thăng Long, và mạng lưới các tuyến vành đai khác như Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn kéo dài… sẽ là một bước tiến lớn, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu Tây Hà Nội.
Với sự thay đổi mạnh mẽ của hệ thống giao thông, trong vài năm qua, phía Tây Hà Nội đã trở thành tâm điểm của giới đầu tư địa ốc. Theo bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam, phía Tây là “điểm nóng” bởi khu vực này có tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng đầu tư mở rộng và hiện đại. Theo Savills Việt Nam, phía Tây thời gian qua ghi nhận kết quả bán hàng tốt nhất thị trường, chiếm tới 24% thị phần.
Khu vực đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong làn sóng đầu tư mới, khi nhiều “ông lớn” địa ốc đang dồn lực cho phía Tây. Những tiêu chuẩn sống cao cấp cũng đang được định vị tại đây. Đặc biệt, tại khu vực được coi là “trung tâm mới” - đường Lê Trọng Tấn, Lê Văn Lương kéo dài cũng đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ với hàng loạt dự án khủng như Park City, Khu đô thị Dương Nội, Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn – Geleximco… Theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản khu vực này sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới.
Chuẩn sống “biệt lập khép kín” của giới nhà giàu
Cùng với sự phát triển chung của thị trường, xu hướng sống mới, dịch chuyển ra những khu nội đô ồn ào cũng đang hình thành rõ nét ở những nơi phát triển đồng bộ như phía Tây. Các khu nhà ở cao cấp, biệt lập và riêng tư thể hiện đẳng cấp của chủ nhân đang được phát triển bởi nhà đầu tư có tiềm lực.
Đáng chú ý trên thị trường đó là sự ra mắt của Vinhomes Thăng Long của Tập đoàn Vingroup. Dự án có quy mô 24ha với gần 800 căn biệt thự, nhà liền kề và shophouse được hoàn thiện nội thất liền tường cao cấp với mật độ dân cư thấp. Đây là khu biệt thự khép kín, biệt lập với đầy đủ hệ thống hạ tầng tiện ích, từ trường liên cấp Vinschool, siêu thị VinMart, hệ thống khu thể thao, bể bơi và khu clubhouse hiện đại…Điểm nhấn của dự án là hồ cảnh quan điều hòa rộng tới 10ha với đường chạy bộ ven hồ, khu vui chơi trẻ em ngoài trời, bể bơi tiêu chuẩn 5 sao, và hệ thống vườn 4 mùa…
Những tiêu chuẩn sống này nhằm hướng đến mô hình sống riêng tư, tránh tiếng ồn, khói bụi và sự ồn ào trong trung tâm, một xu hướng sống mới dành cho giới nhà giàu Thủ đô. Bên cạnh đó, nằm tại khu trung tâm nối nhiều tuyến đường huyết mạch của Thủ đô như Đại Lộ Thăng Long, Lê Trọng Tấn và Lê Văn Lương, cư dân tại Vinhomes Thăng Long vẫn rất thuận tiện di chuyển vào nội thành Hà Nội và các khu vực lân cận.
Dự kiến dự án sẽ được bàn giao ngay từ cuối năm 2016 và sẽ hoàn thành vào đầu 2017. Dù mới được ra mắt thị trường, song Vinhomes Thăng Long đang được đánh giá là hàng “hot” trên thị trường địa ốc và hứa hẹn góp phần làm thay đổi bộ mặt thị trường địa ốc ven Đại lộ Thăng Long.

Dân khát đất sản xuất với Dự án treo 10 năm

Trong khi quỹ đất cho sản xuất ít, và cằn cỗi nhưng gần 40 ha đất cấp cho dự án xây dựng và mở rộng Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền Trung (thuộc thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, Bình Định) thì “treo” suốt gần 10 năm nay khiến người dân bức xúc.
Ông Đỗ Văn Điệp, xóm trưởng xóm Đá Mài (thôn Thọ Tân Bắc) chỉ tay về phía vườn điều rộng gần 40 ha cằn cỗi vì bỏ hoang nhiều năm không có người chăm sóc, thở dài: “10 năm nay cả khu đất rộng bỏ hoang, đào không ra đào, đất không ra đất, chỉ thấy rác cứ tấp đến gây mất vệ sinh”.
Ông Nguyễn Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân, cho biết: Vườn điều Lò Mốc rộng 39 ha, trước kia do HTX nông nghiệp Nhơn Tân quản lý nhưng sau khi có chủ trương chuyển diện tích đất này cho Trung tâm Nghiên cứu phát triển chăn nuôi miền Trung nên đã trả mặt bằng phục vụ dự án. Nhưng từ đó đến nay không thấy triển khai. Cử tri nhiều lần bức xúc, lãnh đạo địa phương cũng đã báo cáo tình hình lên cấp trên đề nghị xem xét sớm triển khai hoặc nếu không triển khai thì chuyển đổi loại hình cây khác nhưng hiện vẫn chưa nhận được ý kiến chính thức nào.
Dự án trên của Bộ NN&PTNT, được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận địa điểm từ năm 2007. Chủ đầu tư là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung – Viện Chăn nuôi. Tổng mức đầu tư hơn 57 tỷ đồng. Mục tiêu là xây dựng mới Trạm thực nghiệm chăn nuôi Nhơn Tân trực thuộc trung tâm, thời gian thực hiện từ năm 2010 – 2014. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều lần gia hạn và điều chỉnh dự án vẫn chưa triển khai.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Nhơn Tân, cho biết, toàn bộ 39 ha trước đây trồng điều, hình thức giao khoán cũng tạo ra thu nhập hằng năm. Nhưng từ năm 2007 đến nay vườn điều bỏ hoang do nhường lại cho dự án. “HTX đã nộp tờ trình xin cải tạo vườn điều tại vị trí lập dự án để trồng cây lâm nghiệp nhưng chưa được chấp thuận. Dự án cứ treo, kéo dài mãi thì lãng phí quá. Nếu không thực hiện do không có vốn thì nên giao trả lại đất để đầu tư trồng cây lâm nghiệp cho thu nhập”, ông Thạch nói.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Sở TN&MT Bình Định, lý do dự án vẫn chưa được triển khai là do thiếu vốn. Năm 2014 UBND tỉnh có văn bản gửi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung, theo đó yêu cầu Trung tâm có văn bản báo cáo Viện Chăn nuôi và Bộ NN&PTNT về tiến độ triển khai dự án. Hết năm 2014, Trung tâm vẫn không triển khai, tỉnh sẽ thu hồi chủ trương chấp thuận địa điểm.

Lộ diện đại gia muốn đầu tư khu du lịch sinh thái bên kia cầu Nhật Tân

Khu đất quy hoạch này thuộc xã Vân Nội (Đông Anh) rộng 87ha, vừa được duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tổng thể.
Được biết đơn vị được giao lập quy hoạch để đầu tư xây dựng dự án này là Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ -Mefrimex, một cái tên còn lạ lẫm trên thị trường địa ốc Hà Nội.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết Mefrimex lại là một đại gia bất động sản đã và đang triển khai đầu tư nhiều dự án, chủ yếu ở Long Biên và Đông Anh.
Năm 2015 báo chí cũng đã phản ánh vụ việc kiện cáo của Mefrimex với Tổng Cty 36 liên quan đến việc hợp tác đầu tư và chuyển nhượng dự án chung cư B6 Giảng Võ (Ba Đình, HN).
Đối với Khu du lịch sinh thái Đông Anh, khu đất này có ranh giới giáp với xã Vân Nội ở phía Đông, các phía còn lại giáp với các tuyến đường quy hoạch 17m, 30m và 40m. Diện tích đồ án nghiên cứu 87ha, dân số dự kiến 2.890 người.
Mục đích nhằm cụ thể hóa quy hoạch Thủ đô, quy hoạch phân khu, khai thác hiệu quả quỹ đất, và làm cơ sở để Chủ đầu tư lập và điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng…Công ty Mefrimex có trách nhiệm liên hệ với cơ quan địa phương để triển khai tiếp các thủ tục pháp lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Mefrimex có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, được thành lập bởi 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, ông Dương Văn Nguyên là chủ tịch HĐQT đồng thời cũng là người đại diện pháp luật, ông Dương Văn Nguyên sở hữu 49,4%; 2 cổ đông còn lại là bà Phạm Thị Đức sở hữu 20,32% và một cá nhân khác sở hữu 5,95%.
Bên cạnh khu du lịch sinh thái Đông Anh, hiện đại gia này còn chuẩn bị đầu tư nhiều dự án khác. Đơn cử như Dự án khu công viên giải trí, sinh thái tại phường Thạch Bàn, Cư Khôi, quận Long Biên 202,55ha, B7 Giảng Võ diện tích 2.237,5m2, công trình cao 16 - 19 tầng, trong đó 4 tầng hầm để xe, tổng diện tích sàn 25.071m2.